🎄 TinhYeuCongGiao.Com 🎄
•••MXH Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam•••
Home · Online: · Nghe nhạc · Nhà Thờ · Video · Huynh Trưởng Giêsu · Giáo lý hôn nhân · Tâm lý tình yêu · Cửa hàng · Đăng Nhập · Đăng Ký

“TIN ĐẠO CHỨ KHÔNG TIN NGƯỜI CÓ ĐẠO” - CÂU NÓI CỰC KỲ NGUY HIỂM NẾU DÙNG SAI VĂN CẢNH

“TIN ĐẠO CHỨ KHÔNG TIN NGƯỜI CÓ ĐẠO” - CÂU NÓI CỰC KỲ NGUY HIỂM NẾU DÙNG SAI VĂN CẢNH
“Tin đạo chứ không tin người có đạo” là lời giảng của một linh mục trong một bài giảng hay của ngài, trong đó ngài kể chuyện một số giáo dân lừa các giáo dân khác để trục lợi và khuyên mọi người nên cảnh giác, đừng quá tin tưởng mù quáng vào người mang danh “có đạo” để tránh bị thiệt hại và từ đó mất niềm tin nơi Cộng đoàn dân Chúa.
Tuy nhiên, điều nguy hiểm là rất nhiều người lôi câu nói này ra dùng cho mọi văn cảnh, hoàn cảnh, và nó sẽ rất nguy hiểm, y hệt cách Tà giáo xẻo một vài câu Kinh Thánh ra khỏi chương sách để tuyên truyền cho sai lạc của chúng.
Có lẽ trong số chúng ta ai cũng đều từng nghe, từng biết đến câu cảnh báo “Phúc thống phục nhân sâm tắc tử” (Đau bụng uống nhân sâm thì chết). Đây là một câu chuyện kinh điển kể về một người tra sách để chữa bệnh, khi gây chết người, ông bị kiện lên quan. Quan hỏi sao, ông nói: “Vâng, tôi chữa đúng sách y văn đây ạ”. Quan bảo “Sách đâu”, ông đưa ra: “Thưa quan đây ạ, Phúc thống phục nhân sâm - nghĩa là Đau bụng uống nhân sâm”. Quan nghe vậy đăm chiêu suy nghĩ: Nhân sâm là loại dược thảo quý hiếm và rất tốt, uống thì chỉ có khỏe, sao mà chết được. Quan vội vã cầm lấy cuốn sách và có dòng chữ ấy khiến quan rất ngạc nhiên. Chợt người trợ tá của quan cũng lại gần để xem, phất phơ tà áo làm sách lật sang trang tiếp, cả hai ngỡ ngàng khi thấy hai chữ “tắc tử” ngay ở đầu trang kia. Thì ra ông thầy thuốc nửa mùa kia chưa đọc hết câu cảnh báo, lại tưởng là bài thuốc chữa đau bụng. Phải biết rằng nhân sâm rất tốt nhưng lại thanh mát, hàn tính cao, cho người đau bụng uống một ít thì đã đau nặng thêm, còn uống nhiều có thể gây kiết lỵ, tiêu chảy và dẫn đến tử vong.
Chúng ta cũng đã từng có nhiều nỗi đau từ những phát biểu bị cắt xẻo như vậy mà không cần nói rõ thì những người cao niên hẳn còn nhớ! Và phải chăng vì thế một số bài giảng của các cha đã được khóa mã, bảo vệ bản quyền?
Trở lại câu nói trên. “Tin đạo chứ không tin người có đạo” mà tách ra khỏi bài giảng, thì trở nên một câu nói vô cùng nguy hiểm, nó lại bị hiểu ra thành người có đạo không đáng tin, thà rằng tin người ngoại đạo còn hơn, thà bị người ngoại đạo lừa còn hơn và rằng cần phải cảnh giác với người có đạo.
Oh my God. Lạy Chúa tôi!
Hiểu như vậy khác nào “Đau bụng uống nhân sâm” cơ chứ.
Thứ nhất, thế nào là “có đạo”, và thế nào là “người có đạo”. Cần phân biệt “người có đạo” và “người tự nhận mình có đạo”. Không phải cứ ai được Rửa tội là “có đạo”. Cái này vốn là hạn chế của tiếng Việt, kiểu như “bàn thờ ông bà tổ tiên” không có nghĩa là chúng ta “thờ” ông bà tổ tiên, nhưng chẳng ai nói “bàn kính nhớ ông bà tổ tiên” cả. Phải biết rằng không phải ai đã được Rửa tội là sẽ không phạm tội sau đó nữa. Vì thế những người mang danh là “có đạo” không phải ai cũng tốt cả và rất nhiều người “tự nhận mình có đạo” để đi lừa anh em đồng đạo của mình. Liệu bạn có dám khẳng định mình là người “có đạo” không, tôi là người Công giáo tốt không? Do vậy “Tin đạo chứ không tin người có đạo” phải được hiểu là “Tin đạo chứ không tin người tự cho mình có đạo” hay là “Tin đạo chứ không tin người mang danh là có đạo”, dù thế chả ai nói như vậy cả, vì tuy ngữ nghĩa khá rõ ràng nhưng hành văn lại lủng củng và rườm rà, nên lại cứ nói vắn lại “Tin đạo chứ không tin người có đạo” và gây ra hiểu nhầm tai hại.
Thứ hai, bất luận câu nói nào, dù tuyệt hay thì cũng cần phải được đặt trong một văn cảnh phù hợp, một hoàn cảnh cụ thể, một tình huống nhất định chứ không được phép dùng một cách bừa bãi được. Tỷ dụ khi thấy ai sai, chúng ta khuyên thì họ bật lại một câu: “Chúa bảo: Đừng xét đoán”, chắc tức ói máu quá! Ô hay, vậy cứ nhắm mắt làm ngơ để họ sai à, rồi họ lao đầu xuống hố thì chúng ta lại mắc tội là không lấy lời lành mà khuyên người, không mở dạy kẻ mê muội, không răn bảo kẻ có lỗi?
Thứ ba, khi trích dẫn Kinh Thánh hay trích dẫn một câu nói của các đấng thì phải chịu trách nhiệm về câu nói ấy, vì nó xuất phát từ mồm miệng mình, từ tim, từ não, từ suy nghĩ của mình chứ không đơn thuần là do “Kinh Thánh nói thế” hay “các đấng bảo vậy”. Một câu Kinh Thánh hay, một câu giảng ý nghĩa nếu đặt sai văn cảnh, hoàn cảnh thì phản tác dụng vô cùng. Hãy uốn lưỡi 7 lần trước khi nói, như dân gian đã đúc kết “lời nói đọi máu”, không phải cứ “phán như thánh” là thành thánh được!
Tóm lại, “Tin đạo chứ không tin người có đạo” là một câu giảng hay, một lời cảnh báo tốt, nhưng mong quý bạn hãy dùng câu này một cách thận trọng, đúng với hoàn cảnh cụ thể, để không gây hiểu lầm và tổn thương đến những người đồng đạo chúng ta, mà tôi tin rằng người tốt nhiều hơn kẻ xấu, Thạch Sanh nhiều hơn Lý Thông.
Chuyên Mục
Lời tâm tình

Website Tình Yêu Công Giáo là một dự án cộng đồng phi lợi nhuận ra đời với xứ mệnh cung cấp thông tin, kết nối cho mọi tín hữu công giáo. Do chúng con, với sức người có hạn. Vì vậy, chúng con rất mong được sự chung tay góp sức của mọi người cùng xây dựng Tình Yêu Công Giáo