🎄 TinhYeuCongGiao.Com 🎄
•••MXH Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam•••
Home · Online: · Nghe nhạc · Nhà Thờ · Video · Huynh Trưởng Giêsu · Giáo lý hôn nhân · Tâm lý tình yêu · Cửa hàng · Đăng Nhập · Đăng Ký

Bàn Về Sự Thánh Thiêng Trong Thánh Lễ Công Giáo

Bàn Về Sự Thánh Thiêng Trong Thánh Lễ Công Giáo
Về các nghi thức phụng vụ đang gây tranh cãi, nhiều bạn bè ngoài Công giáo đã hỏi mình rất nhiều về những video lan truyền. Vậy nên mình viết bài này, trong sự hiểu biết hạn hẹp, không dám bàn về thần học vì mình không đủ trình, càng không dám luận đúng sai, chỉ dám nói chút cảm nghĩ của mình thôi. Bài này xin phép được ẩn danh vì mình ngại, đồng thời xin mọi người thay vì tiếp tục tranh cãi hãy chia sẻ về những cảm nhận bản thân về sự thánh thiêng trong thánh lễ.
Trước hết, thánh lễ là “hành vi cao cả được thực hiện để tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo và thánh hóa con người” (Hiến chế về Phụng vụ thánh, Sacrosanctum Concilium, số 7). Do đó, những nghi thức phụng vụ trong thánh lễ đều được thống nhất trong toàn thể giáo hội hoàn vũ. Tức là cho dù bạn dự lễ ở nhà thờ nào, giáo phận nào, đất nước nào cũng đều có một mục đích và một nghi thức phụng vụ duy nhất (chỉ khác ngôn ngữ mà thôi). Tất cả nghi thức ngoài đó thì gọi là Á Phụng Vụ bao gồm tất cả những hành vi đạo đức mang tính cộng đoàn, không thuộc về phụng vụ theo nghĩa chặt. Như vậy, những hoạt cảnh tái hiện Giáng sinh, Phục sinh, Cuộc khổ nạn của Chúa Jesus, thậm chí các giờ chầu Thánh thể, chặng đàng thánh giá, các giờ kinh nguyện cũng đều được xếp vào Á phụng vụ. Xét về mặt đạo đức, nó biểu hiện cho lòng sốt sắng của cộng đoàn, là điều tốt. Nhưng, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng việc phát triển một số hình thức đạo đức có thể làm sai lạc tinh thần Kitô giáo đích thực, là tinh thần lẽ ra phải được nuôi dưỡng bằng phụng vụ đúng nghĩa, hơn là bởi những việc sùng kính ít nhiều có tính chủ quan, gắn liền với những tình cảm mau qua.
Bản thân mình đã tham dự thậm chí là tham gia thực hiện nhiều nghi thức tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa, hoạt cảnh Giáng sinh,… thường diễn ra trước thánh lễ chính thức. Tất cả đều có ý nghĩa lớn, có thể kêu gọi sự chú ý và kích thích giáo dân sốt sắng tham dự. Nhưng, sâu trong lòng, khi mình ngẫm nghĩ lại, vẫn thấy thiếu thốn một cái gì đó khó gọi tên. Cho đến khi đi học xa nhà, lần đầu tiên tham dự thánh lễ Giáng sinh ở Nhà thờ Chính toà Sài Gòn, mình đã ồ lên hoá ra cái khó gọi tên mà mình nói chính là đây. Sự thánh thiêng đến từ gắn kết lòng mình với ý nghĩa cao cả của thánh lễ.
Mình nhớ Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng từng chia sẻ trong buổi gặp mặt ban Thánh nhạc rằng: một số nơi xin Đức Tổng cho phép được dùng một số nhạc cụ như kèn, trống trong thánh lễ dành cho giới trẻ để làm sôi động. Đức Tổng hỏi lại: “Liệu sự sôi động sẽ thu hút giới trẻ hay chính sự THÁNH THIÊNG mới thu hút họ?”. Ngài nhấn mạnh phải thận trọng trong phụng vụ thánh lễ, đừng để những cái vui nhộn làm mất đi sự thánh thiêng cần có. Thật vậy, đối với riêng mình sự thánh thiêng trong thánh lễ đến từ sự tĩnh lặng của tâm hồn, để thấy được sự linh thiêng trong thánh nhạc và trong từng nghi thức phụng vụ. Đó là lý do mình yêu thích tham dự thánh lễ ở Chính tòa Sài Gòn. Đêm vọng Giáng sinh không có hoạt cảnh, chiều thứ 6 tuần thánh vô cùng lặng lẽ, đêm vọng Phục sinh cũng chỉ có thánh nhạc vang lên hùng hồn sau công bố Tin Mừng. Nếu Giáng sinh đường phố kẹt cứng xe cộ thì người ta lại vượt qua đám đông đó mà lặng lẽ bước vào nhà thờ từ cổng sau, rồi lại ra về trong hân hoan khi mà gần nửa đêm ngoài đường đã bắt đầu thưa dần. Mình vô cùng thích cảm giác cả dòng người Công giáo bước ra với sự tự hào và niềm vui, hiên ngang đi bộ qua đường khi mà người ngoại giáo dừng đèn đỏ, ăn diện đẹp đẽ, tay cầm bong bóng, đèn đóm chơi Noel, tất cả họ dừng ở đó, nhìn chúng ta. Phục sinh ngược lại, khi mà xe cộ qua lại bình thường như mọi ngày thì dòng người bước ra từ cổng trước nhà thờ với niềm vui tràn đầy, chính niềm vui này lây lan ra khắp nơi xung quanh đó, khi mà các bạn trẻ khác ngồi uống cà phê bệt dưới chân tượng Đức Mẹ còn chưa kịp hiểu đã diễn ra điều gì, thì chúng ta đứng kề bên, cung kính nhìn lên Mẹ và đọc kinh nguyện. Đó là không khí khác biệt mà Chính tòa đã đem lại cho mình. Đêm vọng Phục sinh tuần trước, được chứng kiến Đức Tổng ban bí tích rửa tội cho các anh chị tân tòng, ca đoàn hát ‘Dấu ấn tình yêu’, đến đoạn ‘dẫu con là tôi tớ tay trắng khôn cùng’, tự nhiên mình lại thấy sự khác lạ trong lòng, mình cũng đã được chọn như thế, khi mới vài tháng tuổi. Rồi đến nghi thức rảy nước thánh, Đức Tổng đi khắp nhà thờ và nước thánh đổ lên cộng đoàn tham dự, vô tình Ngài đã nhìn thẳng vào mắt mình, ánh mắt của sự cương nghị nhưng đầy dịu dàng, ánh mắt sâu như thấu mọi tâm can của mình lúc đó, thì mình khóc luôn. Thực sự khóc mà lòng không buồn, trí không sầu vì bất cứ điều gì. Đó là sự thánh thiêng mà mình muốn nói.
Vậy tại sao có nơi lại cử hành thánh lễ đơn sơ (nhưng không hề thiếu trang trọng), có nơi lại thêm rất nhiều hình thức đạo đức ngoài phụng vụ như thế, không phải là đi ngược lại với tính hiệp thông mà Công giáo thường nói sao? Đến đây thì không dám luận đúng sai, nhưng mình nói về đức vâng phục. Trong nghi thức truyền chức linh mục, lời hứa cuối cùng mà các tiến chức sẽ thề phải giữ là đức vâng phục. Các linh mục quỳ gối, đặt tay mình trong tay của Đức Giám mục, khi đó Đức Giám mục sẽ hỏi “Con có hứa Kính Trọng và Vâng Phục Cha cùng các Đấng kế vị Cha không?”. Đức Tổng Giuse từng hài hước hỏi thêm rằng (trong lúc dợt nghi thức) “con vâng phục trong mấy tháng? mấy năm?”. Không tự nhiên mà Ngài lại hỏi như thế, Đức Thánh Cha Francis từng nói “bất cứ điều gì được thực hiện từ sự lo âu, tự hào hoặc nhu cầu gây ấn tượng với những người khác sẽ không dẫn đến sự thánh thiện”(Ibid., số 28). Những hoạt động tưởng niệm đó nếu diễn ra bên ngoài thánh lễ, có lẽ sẽ mang lại lợi ích mà tránh gây tranh cãi hơn. Cũng như việc cử hành nghi thức Rửa chân trong thánh lễ Tiệc ly chiều thứ 5 tuần thánh, Đức Tổng Giuse yêu cầu các linh mục “dứt khoát” không đãi tiệc tùng, quà cáp: “Đừng lách luật như thế, các cha hãy mạnh mẽ lên, hãy để nghi thức rửa chân chỉ là một nghi thức phụng vụ thánh lễ như đúng nghĩa của nó mà thôi” (Huấn từ phụng vụ Tuần thánh giáo phận Phát Diệm, Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng). Các linh mục cần phải hiệp thông với nhau và hiệp thông với giáo hội, Hiến chế Phụng vụ thánh ghi rõ: 1. Việc điều hành Phụng vụ thánh tuỳ thuộc thẩm quyền duy nhất của Giáo Hội: nghĩa là thuộc quyền của Tông Toà và các Giám mục, chiếu theo quy định của giáo luật; 2. Do năng quyền được ban theo luật, việc điều hành Phụng vụ trong những phạm vi luật định, cũng được dành cho các tập thể Giám mục có thẩm quyền, được thiết lập cách hợp pháp trong từng địa phương; 3. Vì vậy, tuyệt đối không ai khác, dù là linh mục, được tự ý thêm bớt hay thay đổi một điều gì trong Phụng vụ (Hiến chế về Phụng vụ thánh, Sacrosanctum Concilium, số 22).
Nét đẹp và sự thánh thiêng trong thánh lễ có lẽ mình không cách nào diễn tả được bằng lời. Cũng không phải tất cả mọi người đều nghĩ sự thánh thiêng chỉ đơn giản đến từ nghi thức phụng vụ như mình nghĩ. Nhưng chắc chắn một điều xác tín, rằng hiểu được ý nghĩa của từng nghi thức sẽ đem lại cho người dự thánh lễ một cái nhìn khác hẳn, không chỉ là tung hô bằng môi miệng mà bằng chính tâm hồn mình. Và tất cả những hoạt động khác nên hướng về phụng vụ mà làm.
Chuyên Mục
Lời tâm tình

Website Tình Yêu Công Giáo là một dự án cộng đồng phi lợi nhuận ra đời với xứ mệnh cung cấp thông tin, kết nối cho mọi tín hữu công giáo. Do chúng con, với sức người có hạn. Vì vậy, chúng con rất mong được sự chung tay góp sức của mọi người cùng xây dựng Tình Yêu Công Giáo