🎄 TinhYeuCongGiao.Com 🎄
•••MXH Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam•••
Home · Online: · Nghe nhạc · Nhà Thờ · Video · Huynh Trưởng Giêsu · Giáo lý hôn nhân · Tâm lý tình yêu · Cửa hàng · Đăng Nhập · Đăng Ký

NỖI SỢ BỊ BỎ RƠI

NỖI SỢ BỊ BỎ RƠI
NỖI SỢ BỊ BỎ RƠI
Một số người ngoại tình vì họ sợ bị bỏ rơi. Có lẽ đây là điều bạn không thể hiểu nổi, nhưng lý do ở đây chính là – họ có một nỗi sợ bị bỏ rơi cực kỳ sâu sắc trong mối quan hệ hiện tại đến mức họ đuổi theo những mối quan hệ ngoài luồng trong lúc vẫn duy trì mối quan hệ hiện tại. Nhờ đó, họ tự trang bị cho mình một mối quan hệ “dự phòng” để phòng khi có chuyện không hay xảy ra với mối quan hệ yêu đương hoặc cuộc hôn nhân hiện tại.
Đây chắc chắn không phải là một cách ứng phó lành mạnh với nỗi sợ bị bỏ rơi. Nó gây tổn thương cho người bị lừa dối và cũng là một sự hành hạ tinh thần cho người đang cố gắng kiểm soát và duy trì để cả hai mối quan hệ không bị chìm xuống. Họ đẩy mối quan hệ đến bờ vực nguy hiểm, sống trong dối trá và rõ ràng là vẫn không giải quyết được nỗi sợ bị bỏ rơi một cách lành mạnh.
Dấu hiệu của nỗi sợ bị bỏ rơi:
- Hay cảm thấy ghen tỵ.
- Coi những người bạn khác giới của đối phương là mối đe dọa cho quan hệ giữa đối phương và mình.
- Cho đi quá nhiều và làm “lố” trong mối quan hệ.
- Có suy nghĩ về việc bạn đời hay người yêu bỏ mình.
- Đòi hỏi người kia phải dành thời gian cho nhau nhiều đến mức bất hợp lý.
- Khó tin tưởng hoàn toàn vào bạn đòi hoặc người yêu mình.
- Chú tâm quá mức vào những lỗi sai ở người kia thay vì những điểm tích cực nơi họ (ở đây là cố đẩy họ ra xa hoặc không tin tưởng họ tuyệt đối).
- Có khoảng thời gian vật lộn khi phải ở một mình khi một mối quan hệ kết thúc. Luôn tìm kiếm mối quan hệ tiếp theo hoặc một ai đó để thay thế người mới chia tay.
- Có cảm xúc oán giận người kia khi họ làm việc gì đó mà không có mình, như ra ngoài đi chơi với bạn bè.
- Cảm thấy không xứng, không đáng hoặc ít xứng đáng có được tình yêu.
- Tự trọng/tự tin thấp.
- Là người chủ động kết thúc các mối quan hệ trước đối phương để tạo cảm giác mình có quyền kiểm soát, không để đối phương có cơ hội bỏ rơi mình.
- Đẩy nhanh bước tiến trong những mối quan hệ mới vì họ sợ rằng đối phương sẽ rời bỏ mối quan hệ này nếu mọi thứ không tiến triển đủ nhanh vào bước kế tiếp.
- Cố duy trì những mối quan hệ mang thiếu lành mạnh và mang tính lạm dụng vì sợ bị bỏ rơi hoặc cô độc.
- Cảm thấy ganh tỵ với những mối quan hệ vốn thuần khiết mà người bạn đời hoặc người yêu của mình đang có, như mối quan hệ với đồng nghiệp.
- Liên tục kiểm soát đối phương, đặc biệt là thời gian và những tương tác của họ với người khác.
- Thường xuyên phân tích quá mức mối quan hệ của mình, chú ý đến những tiểu tiết, những điều tiêu cực hoặc những vấn đề thay vì tập trung vào những điều tích cực của đối phương cũng như mối quan hệ.
- Theo đuổi những mối quan hệ với những người dành cảm xúc cho mình.
- Lừa dối bạn đời hoặc người yêu mình.
Một người không cần phải xuất hiện tất cả những hành vi này mới gọi là sợ bị bỏ rơi. Một số người sợ bị bỏ rơi chỉ có một vài hành vi trong danh sách kể trên. Tuy nhiên, thậm chí chỉ có một vài hành vi thôi cũng là không lành mạnh và gây bất lợi lên đời sống và những mối quan hệ của chính họ.
Thực tế vẫn có cả những người ngầm hủy hoại chính mối quan hệ của chính mình bằng cách đẩy đối phương ra xa. Họ có thể có những hành vi gây rối nhằm “kiểm tra” đối phương. Kết cục xuất hiện khi những hành vi này vượt quá ngưỡng chính là, điều họ lo sợ là đúng, đối phương thực sự bỏ rơi họ. Điều không may ở đây là bạn đời hay người yêu của họ rời bỏ họ vì chính những hành động này của họ, vì họ đã đẩy mọi thứ đi quá xa và hệ quả là đẩy luôn cả đối phương rời khỏi mình.
Làm sao để xử lý với nỗi sự bị bỏ rơi?
Nhiều người sợ bị bỏ rơi vì họ đã bị bỏ rơi trong quá khứ. Nó có thể là một mối quan hệ trước đây, nhưng có lẽ nguồn căn phần nhiều là từ thời thơ ấu. Bị bỏ rơi thời thơ ấu, ví dụ như cha/mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ không nuôi nấng từ nhỏ, có thể gây ra những vấn đề tâm lý sâu sắc trong con trẻ.
Chìa khóa quan trọng nhất là phải thực sự công nhận sự tồn tại của nỗi sợ bị bỏ rơi. Dưới đây là một số gợi ý giúp đương đầu với nỗi sợ này để bạn có thể hướng đến những mối quan hệ lành mạnh và trọn vẹn hơn.
1. Công nhận bản thân xứng đáng được yêu thương.
Cuộc chiến cảm xúc bên trong với hầu hết những người sợ bị bỏ rơi là cảm giác của chính họ rằng mình không đáng có được tình yêu. Nỗi sợ bị bỏ rơi có thể khởi nguồn từ việc bị bỏ rơi một khoảng thời gian nào đó thời thơ ấu.
Vì một ai đó chủ thể gắn bó sâu sắc rời bỏ họ (vì bất cứ lý do gì) và sau trong họ chỉ còn cảm giác rằng tình yêu thương mình nhận được không trọn vẹn. Não bộ của một đứa trẻ sẽ nghĩ đến những điều kiểu như “nếu người ấy thương mình thì họ đã không rời bỏ mình”. Sự rời bỏ trong tâm trí của một đứa trẻ có nghĩa là chúng không được yêu thương trọn vẹn. Thậm chí ngay cả khi sự thật không phải vậy thì đây cũng là cách một đầu óc giản đơn của một đứa trẻ có thể vận hành.
Khi thời gian trôi đi, họ bắt đầu tự hỏi rằng điều gì khiến bản thân họ không được yêu thương. Không lẽ mình không đủ xinh đẹp? Hay không đủ thông minh? Không đủ tốt? Những suy nghĩ này có thể bén rễ và đeo theo họ đến thời trưởng thành. Kết quả là chủ thể lúc trưởng thành vẫn có cảm giác bản thân mình có vấn đề gì đó khiến bản thân họ không đáng được yêu thương hoặc đáng được yêu thương một cách trọn vẹn.
Họ thường tin (trong tiềm thức) rằng một khi đã ở trong một mối quan hệ thì họ cần phải kiểm soát mọi thứ để người kia không rời bỏ họ. Họ sẽ cố gắng kiểm soát mối quan hệ và đối phương dựa trên nỗi sợ bị bỏ rơi của họ.
Bước đầu tiên để vượt qua nõi sợ này đó chính là nhận ra rằng mình đáng được yêu thương.
Mọi người đều đáng được yêu thương. Không tồn tại một con người hoàn hảo. Chúng ta đều muốn yêu và được yêu. Chúng ta đều có thiếu sót. Vì vậy tình yêu ở đây chính là sự gắn kết giữa hai cá nhân đầy thiếu sót. Mỗi người đều đáng được yêu và có một mối quan hệ yêu đương.
Bạn đáng được yêu, có thiếu sót và tất cả những điều khác. Điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người cần phải yêu thương bạn, điều đó đơn giản là không thực tế. Tuy nhiên, mỗi người vẫn có cho mình một ai đó luôn chờ mình ngoài kia. Khi bạn tìm ra người đó, hãy nhắc nhở bản thân mình rằng mình xứng đáng nhận được tình yêu thương và sự chú ý dành cho mình. Hãy cư xử qua có lại và chăm lo cho mối quan hệ của mình. Tuy nhiên, đừng để nó trở thành bản dạng của bạn hay trọng tâm của sự xứng đáng trong bạn.
Hãy độc lập về cảm xúc.
Bản dạng của bạn nhất quyết không nên chỉ bị trói buộc vào một mối quan hệ. Mối quan hệ là một phần con người bạn nhưng nó không định nghĩa con người bạn. Hãy đảm bảo rằng mình có thể đón nhận những suy nghĩ này và biết rằng bạn vẫn ổn nếu độc thân hoặc ở một mình. Bạn không thể nhìn nhận sự xứng đáng của bản thân dựa vào một mối quan hệ được. Thay vào đó, bạn xứng đáng vì bạn là BẠN và không ai khác có thể đóng vai bạn tốt hơn chính bạn.
Độc lập về cảm xúc có thể không dễ dàng gì nếu bạn đã đang lệ thuộc cảm xúc trong mối quan hệ hiện tại hay trước đây. Một số hình thức trị liệu có thể khá hữu ích nếu bạn gặp khó khăn trong việc tự độc lập về cảm xúc. Độc lập về cảm xúc không có được trong một sớm một chiều, vậy nên hãy nhẹ nhàng với bản thân trong quá trình này. Mỗi ngày một chút, hãy nhắc nhở bản thân rằng cảm xúc của bạn là do bạn chịu trách nhiệm, và rằng bạn vẫn là bạn dù có ở trong một mối quan hệ nào chăng nữa.
Hãy nhắc nhở bản thân thường xuyên rằng, khiến bạn an toàn về cảm xúc không phải là nhiệm vụ của người khác. An toàn cảm xúc đầu tiên phải đến từ chính bạn. Đầu tiên là chính cá nhân bạn và sau đó mới là đối phương. Hãy tự sở hữu chính cảm xúc và cảm giác của bản thân. Khi nỗi sợ bắt đầu lan rộng, hãy xử lý những cảm xúc này thay vì biến nó thành những hành vi thiếu lành mạnh được đề cập ở trên như ghen tỵ, cho đi quá nhiều trong mối quan hệ hoặc để đầu óc chiếm đóng bởi những suy nghĩ về người kia sẽ rời bỏ bạn.
Tự lập về cảm xúc, nói tóm lại, là chịu trách nhiệm cho chính những cảm xúc của mình và chịu trách nhiệm một cách lành mạnh. Là bạn sẽ không còn dựa dẫm vào bạn đời hoặc người kia để khiến bản cảm thấy an tâm trong mối quan hệ. Việc khiến bạn cảm thấy an toàn trong mối quan hệ đôi bên không phải nhiệm vụ của họ. Họ đâu thể nào mang đi nỗi sợ trong bạn.
Bạn phải đối phó với những nỗi sợ của mình để độc lập về cảm xúc. Thường thì bạn hiểu được nguồn căn xuất phát của nỗi sợ ở đâu thì mới có thể giải quyết nó được.
2. Hiểu nỗi sợ để giải quyết nó.
Nỗi sợ bị bỏ rơi bắt nguồn từ đâu? Điều gì đã xảy ra trong cuộc sống khiến bạn sợ như vậy? Lúc ấy nỗi sợ ấy có thực sự tồn tại? Nỗi sợ ấy đi theo bạn trong cuộc sống và những mối quan hệ hiện tại? Những câu hỏi kiểu này có thể giúp bạn hiểu được nỗi sợ của mình bắt đầu từ đâu, khi nào, và hiện tại đang ảnh hưởng lên bạn như thế nào.
Nếu bạn đã hiểu ra nỗi sợ của bạn bắt nguồn từ đâu và khi nào, thì bạn sẽ bắt đầu hiểu ra được hiện tại chúng không giúp gì được cho bạn. Những nỗi sợ này trong một số trường hợp có thể không bao giờ bị xóa bỏ hoàn toàn, nhưng đối phó với chúng bằng cách khai phá những nguồn căn và sự hình thành lớn mạnh của nỗi sợ có thể giúp bạn xua tan chúng khi chúng xuất hiện. Khi bạn biết được gốc rễ của nỗi sợ này là nguyên do của mọi vấn đề thì nỗi sợ sẽ không còn can thiệp gì vào cuộc sống nữa.
Ghi chép về việc mình bị bỏ rơi.
Ghi chép lại việc mình bỏ rơi là một cách để cởi mở tất cả những cảm nhận, cảm xúc và suy nghĩ của bạn về vấn đề. Nếu bạn có thể viết nó ra trên giấy, thì bạn đang giúp tâm trí xử lý những nỗi sợ và cảm xúc này. Nếu cảm xúc của bạn bị mắc kẹt trong quá trình này hoặc thấy phương pháp này không đủ hữu ích thì hãy tìm kiếm một trị liệu viên, một người có thể giúp đỡ bạn. Dù bằng cách này hay cách khác thì bạn cũng cần cở mở và xử lý những cảm xúc này để hiểu được ngọn ngành của nỗi sợ của bạn.
Hiểu được căn nguyên của vấn đề giúp bạn nhận ra những điều này không còn cần thiết hay hữu ích cho bạn trong những mối quan hệ nữa vì những hành vi sợ hãi không tốt mà chúng gây ra. Sau đây là một số câu hỏi bạn có thể giải quyết trong quá trình ghi chép.
– Lần đầu tiên bạn nhận ra vấn đề khiến bạn sợ bị bỏ rơi là khi nào?
– Bạn đã nhiều lần cảm thấy bị bỏ rơi trong đời? Nếu vậy, những trải nghiệm ấy là gì và bạn đã xử lý chúng như thế nào?
– Bạn có cảm thấy việc bị bỏ rơi là do lỗi của bạn?
– Bạn đã nói với bản thân mình thông điệp gì (dù đúng hay sai) về việc bị bỏ rơi (đặc biệt là về nguyên nhân người ta bỏ rơi bạn)?
– Việc bị bỏ rơi thời nhỏ ảnh hưởng như thế nào lên các mối quan hệ của bạn, cả trong quá khứ và hiện tại?
– Bạn có thể nhận ra hành vi nào ở bản thân là kết quả do nỗi sợ bị bỏ rơi gây ra?
– Bạn muốn bản thân mình tỉnh táo hơn để thay thay đổi những hành vi không tốt nào do nỗi sợ bị bỏ rơi gây ra trong mối quan hệ hiện tại?
– Điều gì bạn có thể làn hôm nay để dừng những hành vi không mong muốn có gốc rễ từ nỗi sợ bị bỏ rơi (Ví dụ: thay vì đòi bạn đời dành thời gian cho mình khi họ muốn đi chơi cùng bạn bè, thì bạn có thể gọi một người bạn khác đi chơi với bạn không)?
Bạn có thể giải quyết một câu hỏi hoặc nhiều câu trong suốt một lần ghi chép.
3. Chấp nhận rằng bản thân sẽ luôn trải qua nỗi sợ ở một mức độ nhất định nào đó.
Có sợ mới là con người. Bạn có lẽ sẽ chẳng bao giờ hoàn toàn loại bỏ được nỗi sợ bị bỏ rơi, nhưng bạn có thể kiểm soát phản ứng của mình với nỗi sợ này.
Điều quan trọng ở đây là nhận ra lúc nào mình đang trải qua những khoảnh khắc sợ hãi trong mối quan hệ của mình. Ví dụ, những khoảnh khắc sợ hãi khiến bạn muốn kiểm soát những người mà bạn đời bạn gặp, người ấy đi đâu, làm gì khi không có bạn bên cạnh. Bạn phải nhận ra những dạng thức thiếu lành mạnh trong suy nghĩ và hiểu được gốc rễ của nỗi sợ là ở đâu. Như vậy mới có thể giúp bạn nhận ra rằng những nỗi sợ và những dòng suy nghĩ đi kèm về việc kiểm soát người yêu hoặc đối phương là không tốt cho mối quan hệ của cả hai.
Chỉnh hướng suy nghĩ của mình vào những lời động viên tích cực cho bản thân. Nói với bản thân rằng mình xứng đáng có được tình yêu. Cũng nhắc nhở chính mình về giá trị của bản thân bạn, bạn xứng đáng ra sao mà không dựa vào một mối quan hệ. Có một mối quan hệ là tốt và nếu ở một mình thì cũng vẫn không sao. Thừa nhận nguyên nhân gốc rễ của nỗi sợ và nói với bản thân rằng bạn không còn cần đến nó vì nó không hề giúp bạn cư xử lành mạnh trong một mối quan hệ.
Có thể bạn sẽ luôn sợ hãi ở một mức độ nào đó vì sợ bị bỏ rơi cắm rễ quá sâu và nỗi sợ là một phản ứng bản năng của con người. Nhưng bạn có thể tự giúp bản thân hạn chế thiệt hại nó gây ra bằng cách không cho phép nó kiểm soát luồng suy nghĩ và hành vi của bạn thêm nữa.
4. Ngưng dựa dẫm vào người kia để gạt bỏ những nỗi sợ của bản thân.
Nhằm đối phó với nỗi sợ bị bỏ rơi, bạn cần ngưng coi đối phương là giải pháp của bạn. Nếu bạn sợ bị bỏ rơi, bạn không thể đặt trách nhiệm lên họ, bắt họ phải làm bạn cảm thấy an toàn. Bạn phải dừng lại những hành vi kiểm soát do bởi nỗi sợ và đặt trách nhiệm về nỗi sợ bị bỏ rơi này lên đôi vai của chính mình.
Một lần nữa, hãy liên tục nhắc nhở bản thân mình về căn nguyên của những nỗi sợ này và cách bạn không còn cần đến chúng, không để chúng ảnh hưởng lên sức khỏe cảm xúc của bản thân. Trong thực tế, níu giữ những nỗi sợ này chỉ gây trở ngại cho bạn.
Gạt bỏ lối suy nghĩ cho rằng mình không xứng đáng. Bắt đầu nói với bản thân rằng bạn xứng đáng. Tự động viên bản thân có thể giúp bạn tái lập những cách suy nghĩ mới khi những suy nghĩ tiêu cực cho rằng bản thân không xứng đáng hiện ra trong đầu.
5. Tự nói chuyện với bản thân để thay thế nỗi sợ bị bỏ rơi bằng những suy nghĩ tích cực.
Tự nói chuyện với bản thân thực sự có sức mạnh lớn lao. Nó giúp định hình cách bạn nghĩ về bản thân. Bạn có cho phép cuộc hội thoại với chính mình chìm đắm vào những nỗi sợ, hoài nghi và những điều tiêu cực về bản thân? Nếu thực sự như vậy, đã đến lúc thay thế tất cả những suy nghĩ này bằng những cuộc trò chuyện tích cực hơn với chính mình.
Mục tiêu của bạn khi trò chuyện tích cực với bản thân là không tập trung vào bản thân mối quan hệ vì đó không phải là nguyên nhân gây ra nỗi sợ bị bỏ rơi trong bạn. Nỗi sợ bị bỏ rơi trong bạn có nền tảng từ cảm xúc bên trong cho rằng mình không xứng đáng vì đâu đó trước đây bạn đã từng bị bỏ rơi. Bạn cần thay thế những suy nghĩ tiêu cực và sợ hãi bằng những lời trò chuyện tích cực với bản thân về chính con người và sự xứng đáng của bạn.
Hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn xứng đáng. Tìm kiếm những khía cạnh tích cực trong bản thân cho thấy bạn xứng đáng được khen ngợi, và bạn có thể tập trung lại vào nó khi cảm xúc sợ bị bỏ rơi xuất hiện trong bạn. Loại bỏ những cảm xúc xấu xí về nỗi sợ và sự bỏ rơi bằng cách thay thế chúng bằng những suy nghĩ tích cực, rằng bản thân đang cố trở thành người xứng đáng và có giá trị.
6. Chấp nhận việc phải ở một mình.
Ở một mình cũng không sao. Bạn không cần phải có ai đó trong đời để trở thành một người có giá trị. Bạn xứng đáng vì bạn là bạn. Độc thân hay có ai đó ở bên đều không thành vấn đề.
Nếu bạn vừa kết thúc một mối quan hệ thì hãy tìm kiếm những cơ hội tận hưởng khoảng thời gian độc thân và ý nghĩa của nó với bạn. Tìm kiếm điều tích cực cả khi độc thân lẫn khi đang ở trong một mối quan hệ, từ đó bạn vẫn ổn dù là tình thế nào. Sự xứng đáng của bạn không dựa trên tình trạng mối quan hệ của bạn.
7. Ngừng theo đuổi những cảm xúc vốn dĩ không dành cho bạn.
Một số người vì sợ bị bỏ rơi nên đã cố tìm kiếm mối quan hệ hết lần này đến lần khác với những người vốn chẳng để tâm đến họ.
Thay vì tìm kiếm những cảm xúc vốn không dành cho mình, đã đến lúc phá vỡ chu kỳ và tìm kiếm những người bạn đời sẵn sàng, sẵn lòng gắn kết cảm xúc trong một mối quan hệ với bạn. Nếu bạn đã có những dạng thức đối phó không tốt như thế này trong thời gian dài, cố gắn mình vào những mối quan hệ không dành cho mình thì hãy cân nhắc một số hình thức trị liệu.
8. Tạo một mạng lưới hỗ trợ.
Đối với những người sợ bị bỏ rơi, họ cố thủ trong các mối quan hệ tình cảm vì thói quen cho đi quá nhiều và yêu cầu họ đặt ra với bạn đời và đối tác. Điều này khiến những mối quan hệ khác bị cho ra rìa.
Rất khó để duy trì tình bạn với người khác khi bạn bị ám ảnh về một người đến mức loại bỏ những người khác. Bạn có thao thao bất tuyệt nói về người ấy của bạn trước mặt bạn bè? Bạn có nói không ngừng nghỉ về người yêu bạn khi bạn đi chơi với bạn mình? Những hành vi này không giúp bạn kiến tạo nên những mối quan hệ ý nghĩa với người khác.
Để có một cuộc sống cân bằng, bạn cần bạn bè bên ngoài, không chỉ cứ đăm đăm vào một con người cụ thể. Bạn cần một mạng lưới những người có thể hỗ trợ cho vòng kết nối của bạn. Bằng cách đó, khi chuyện tình cảm tan vỡ, bạn có được sự động viên, tình yêu thương và hỗ trợ từ bạn bè và gia đình.
Hãy cởi mở bản thân với những mối quan hệ khác bằng cách tham gia vào những hoạt động mà bạn quan tâm. Nếu thích chạy bộ, hãy tham gia một câu lạc bộ chạy họp mặt một lần một tuần. Nếu bạn thích hát hò, hãy tham gia một dàn hợp xướng hay một nhóm văn nghệ. Nếu bạn thích giúp đỡ người khác, hãy tham gia vào các tổ chức tình nguyện. Đây chỉ là một số ví dụ.
Đừng dành quá nhiều thời gian cho chỉ một người mà bạn chẳng thể phát triển nên những mối quan hệ bạn bè trong thời gian này vì bạn cần nhiều người bạn cho mỗi khoảng thời gian trong cuộc sống. Nỗi sợ bị bỏ rơi khiến bạn “cắm chốt” vào đối phương và bạn muốn dành toàn bộ thời gian cho người ấy. Hãy thả lỏng và cho phép bản thân dành thời gian vun đắp tình bạn với những người khác, từ đó bạn và đối phương sẽ không chỉ là những đối tượng duy nhất trong mạng lưới hỗ trợ của bạn.
Bạn cần nhiều người hơn trong cuộc sống vì bạn không phải một hòn đảo cô lập trên thế giới này. Kết bạn với những người khác trong khi vẫn duy trì mối quan hệ tình cảm yêu đương là vô cùng hữu ích cho thể chất và tinh thần của bạn.
9. Lưu ý đến những hành vi “bồi đắp” nỗi sợ.
Có những hành vi do nỗi sợ bị bỏ rơi gây ra, như đã đề cập trước đó. Điều quan trọng là bạn không chỉ cần nhận ra những hành vi này đã xảy ra trong quá khứ mà còn phải nhận thức rõ ràng chúng trong hiện tại.
Thực hành suy nghĩ chánh niệm (chú tâm vào khoảnh khắc hiện tại) để nắm bắt bản thân khi bạn bắt đầu hành xử dựa trên nỗi sợ bị bỏ rơi và những hành vi này sẽ không giúp được gì cho bạn trong các mối quan hệ ở quá khứ, càng không có ích gì cho bạn trong tương lai.
Hãy trò chuyện với nỗi sợ và nói với chúng rằng bạn đang nắm quyền kiểm soát bằng cách thay đổi hành vi của bạn hôm nay.
Tổng kết.
Nỗi sợ bị bỏ rơi có thể tồn tại bên trong bạn trong khoảng thời gian dài nhưng bằng cách công nhận sự xứng đáng của bản thân và hiểu được căn nguyên của nỗi sợ, bạn có thể vượt qua nó và lại tiếp tục những mối quan hệ lành mạnh.
Bất kỳ ai cảm thấy bất an sẽ luôn bất an nếu họ chỉ sống dựa vào người khác để cảm thấy an toàn. Hãy kiểm soát nỗi sợ của bạn ngày hôm nay bằng cách làm theo những lời khuyên ở trên và bạn sẽ thấy mối quan hệ của mình thay đổi.
Nguồn: NuevaMente, Lifehack. Người dịch: Như Trang.
Chuyên Mục
Lời tâm tình

Website Tình Yêu Công Giáo là một dự án cộng đồng phi lợi nhuận ra đời với xứ mệnh cung cấp thông tin, kết nối cho mọi tín hữu công giáo. Do chúng con, với sức người có hạn. Vì vậy, chúng con rất mong được sự chung tay góp sức của mọi người cùng xây dựng Tình Yêu Công Giáo